Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - Nơi lưu giữ bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc
Chuyện Nhiếp ẢnhThứ Tư, 7 tháng 8, 2024 - 5 phút đọc
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một trong những bảo tàng lớn và quan trọng nhất Việt Nam, nơi lưu giữ bản sắc văn hóa đa dạng của 54 dân tộc anh em trên đất nước. Với kiến trúc độc đáo, bộ sưu tập hiện vật đa dạng và các sự kiện hấp dẫn, đây thực sự là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn khám phá về văn hóa Việt Nam.
Giới thiệu chung về Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tọa lạc tại số 1 Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Được khánh thành vào ngày 12 tháng 11 năm 1997, bảo tàng là một trong những trung tâm nghiên cứu và trưng bày văn hóa các dân tộc lớn nhất Việt Nam.
Với kiến trúc nhà sàn độc đáo, bộ sưu tập hơn 15.000 hiện vật phong phú từ trang phục, đồ dùng sinh hoạt đến nhạc cụ, đồ trang sức,... cùng với vô số các hoạt động trình diễn văn hóa phi vật thể, các chương trình giáo dục trải nghiệm được tổ chức thường xuyên, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã trở thành một điểm tham quan thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Giờ mở cửa
08:00 - 17:30, từ thứ Ba đến Chủ Nhật hàng tuần
Giá vé tham quan
- Vé thông thường: 40.000 VNĐ/người
- Với sinh viên: 20.000 VNĐ/lượt
- Với học sinh: 10.000 VNĐ/lượt
- Với người cao tuổi, người khuyết tật nặng và người dân tộc thiểu số: giá vé giảm 50%
- Với người khuyết tật nặng đặc biệt và trẻ em dưới 6 tuổi: miễn phí
Vì sao Bảo tàng Dân tộc học là địa điểm văn hóa nhất định phải ghé thăm?
Bảo tàng Dân tộc học chắc chắn sẽ đem lại cho du khách những trải nghiệm khó quên khi sở hữu:
Kiến trúc và không gian trưng bày độc đáo
-
Tòa Trống Đồng: là một trong hai tòa trưng bày của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Với 2 tầng và diện tích lên đến 2000m2, tòa Trống đồng là không gian trưng bày hiện vật của 54 dân tộc Việt Nam với hàng loạt phim, ảnh, các khu vực tái tạo sống động và loạt bài viết thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của Bảo tàng. Đặc biệt, tất cả nội dung trưng bày đều được thực hiện bằng 3 thứ tiếng (Việt, Pháp, Anh), phù hợp cho cả du khách trong và ngoài nước đến tham quan và mong muốn tìm hiểu văn hóa lịch sử. Ngoài lộ trình tham quan gồm 9 phần chính, tòa Trống đồng còn sở hữu không gian tổ chức các trưng bày nhất thời của Bảo tàng.
-
Tòa Cánh Diều: còn được gọi là tòa “Đông Nam Á”, được khởi công xây dựng vào năm 2006. Tòa gồm 4 tầng, với tầng trên dùng dành cho bảo quản hiện vật. 3 tầng còn lại là không gian dành cho công chúng. Tòa Cánh diều trưng bày thường xuyên các văn hóa ngoài Việt Nam (Đông Nam Á, một thoáng Châu Á và Vòng quanh thế giới). Ngoài ra, ở đây cũng có không gian dành cho trưng bày nhất thời, phòng chiếu phim, phòng đa phương tiện và các hoạt động giáo dục.
-
Vườn Kiến trúc: đây là nơi cho các du khách khám phá mô hình nhà ở, công trình kiến trúc của nhiều dân tộc, từ nhà sàn của người Thái, nhà dài của người Ê Đê, nhà mồ của người Giarai, Cơtu, đến nhà rông của người Ba Na. Mỗi ngôi nhà đều có lai lịch và đời sống của nó, là hiện thân cho sự đa dạng văn hóa của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.
Bộ sưu tập hiện vật đa dạng
Bộ sưu tập hiện vật của bảo tàng vô cùng phong phú và đa dạng, bao gồm trang phục, công cụ lao động, nhạc cụ, và các sản phẩm thủ công truyền thống của 54 dân tộc anh em. Du khách có thể chiêm ngưỡng những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu, những công cụ lao động giản đơn, và những nhạc cụ độc đáo như đàn tính của người Tày, khèn của người Mông. Mỗi hiện vật đều mang trong mình câu chuyện và giá trị văn hóa riêng, giúp du khách hiểu thêm về cuộc sống và phong tục tập quán của các dân tộc.
Các hoạt động và sự kiện hấp dẫn
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thường xuyên tổ chức các triển lãm chuyên đề, hội thảo khoa học và các buổi trình diễn nghệ thuật dân gian. Những hoạt động này không chỉ giúp du khách có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về văn hóa các dân tộc mà còn tạo điều kiện để các nghệ nhân, nhà nghiên cứu giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Các cuộc trình diễn văn hóa phi vật thể diễn ra hàng năm vào các dịp Tết, Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu,... luôn thu hút đông đảo khách tham quan đến trải nghiệm.
Ngoài ra, bảo tàng còn có các chương trình giáo dục dành cho học sinh, sinh viên như các tour tham quan, các chương trình tập huấn, trưng bày lưu động động tại trường học,... giúp các em có thêm kiến thức và tình yêu đối với di sản văn hóa dân tộc.
Tác giả: Khánh Linh